Công Việc Kế Toán Ngân hàng Tại Doanh Nghiệp Làm Những Gì ? là một câu hỏi phổ biến của nhiều bạn sinh viên mới ra trường.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của bản thân cũng như từ vốn kiến thức chắt lọc từ nhiều nguồn khác nhau để cung cấp cho các bạn sinh viên mới ra trường hoặc những người chưa đảm nhiệm vị trí Kế toán ngân hàng tại doanh nghiệp.
Kế toán ngân hàng là một mảng không thể thiếu tại hầu hết các công ty khi mà gần như doanh nghiệp nào cũng phải mở tài khoản ngân hàng để giao dịch, thậm chí một công ty có nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau với các loại tiền tệ khác nhau (VND, USD, EUR,…)
Do đó mỗi kế toán viên cần phải trang bị những kiến thức cần thiết giúp cho việc quản lý công việc của một kế toán ngân hàng thật tốt, bởi lẽ chỉ cần sai sót hay chỉ là quản lý thông tin không hệ thống có thể dẫn đến việc chuyển nhầm tài khoản người nhận, chuẩn bị hồ sơ không đúng không đủ gây ra mất thời gian và gây nhiều phiền nhiễu cho công ty.
Một số điểm cơ bản tại bài viết này sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn công việc của một kế toán ngân hàng.
Các chứng từ phổ biến của kế toán ngân hàng:
– Ủy nhiệm chi
– Giấy báo nợ, Giấy báo có
– Sao kê tài khoản
– Séc rút tiền mặt
– Ngoài ra kế toán ngân hàng tại một số loại hình, lĩnh vực hoạt động nhất của công ty sẽ có thêm: Hồ sơ bảo lãnh, Bảng thanh toán lương qua tài khoản, hồ sơ giải ngân vốn vay, bộ chứng từ mở L/C (Thư tín dụng dùng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa), …
Một số mẫu biểu:
1. Ủy nhiệm chi
Ủy nhiệm chi được kế toán tại doanh nghiệp lập dựa trên mẫu có sẵn mua tại ngân hàng (lưu ý: có nơi có thể xin được các quyển phiếu chi từ ngân hàng) hoặc dựa trên mẫu có sẵn tại file Excel. (Tham khảo mẫu ủy nhiệm chi ở cuối bài)
Kế toán cần phải viết đầy đủ các thông tin có trên Ủy nhiệm chi, một số chỉ tiêu quan trọng:
– Tên và số tài khoản ngân hàng của người chuyển
– Tên và số tài khoản ngân hàng của người nhận tiền (người thụ hưởng)
– Số tiền bằng số, bằng chữ
– Nội dung thanh toán
Lưu ý: Nội dung thanh toán cần phải rõ ràng nhất có thể để đảm bảo rằng khi tiến hành hạch toán hoặc khi xem báo cáo hoạt động thu – chi của tài khoản thì chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được nghiệp vụ phát sinh.
– Chữ ký của giám đốc và kế toán trưởng/ phụ trách kế toán.
– Dấu tròn của công ty và dấu chức danh của giám đốc nếu có (Dấu vuông)
Sau khi hoàn tất việc điền phiếu chi thì phiếu chi sẽ được chuyển đến ngân hàng để tiến hành thanh toán. Nhân viên ngân hàng sẽ căn cứ trên chứng từ này (Ủy nhiệm chi) để trích tiền từ tài khoản của công ty sau đó chuyển đến tài khoản người nhận.
Lưu ý: Trước khi chuyển ủy nhiệm chi cho khách hàng, bạn cần đảm bảo rằng tài khoản của công ty có đủ số dư cho việc thanh toán – nhằm tránh mất thời gian và gây lãng phí.
Khi đã hoàn tất việc chuyển tiền thì ngân hàng sẽ có giấy báo nợ cho doanh nghiệp để thông báo việc số tiền đã được chuyển thành công tới tài khoản người nhận.
2. Giấy báo nợ
Về cơ bản giấy báo nợ cũng có các chỉ tiêu như của Ủy nhiệm chi, nhưng đôi khi phần diễn giải nội dung thanh toán sẽ không được đầy đủ như trên ủy nhiệm chi nếu nội dung diễn giải quá dài cho phần mềm quản lý của ngân hàng có thể nhập được.
Đối với nhiều công ty áp dụng theo quyết định 15, thì có thể trong trường hợp tiền chưa được chuyển đi mà đã được ngân hàng tạm giữ cho việc chuyển tiền, thì kế toán có thể hạch toán tạm thời số tiền trên ủy nhiệm chi vào tài khoản tiền đang chuyển và phản ánh nội dung nghiệp vụ tương ứng, khi đã nhận được giấy báo nợ thì tiến hành hạch toán ghi có cho tài khoản tiền gửi ngân hàng.
3. Giấy báo có.
Đứng trên góc độ của người nhận tiền, sau khi khách hàng thanh toán tiền bằng chuyển khoản, khi tiền về tới tài khoản của công ty, nhân viên ngân hàng tại nơi mà chúng ta mở tài khoản sẽ lập một Giấy báo có với nội dung là chúng ta đã nhận được tiền từ khách hàng ABC với số tiền như thế này và nội dung thanh toán như thế kia….
Kế toán ngân hàng của công ty sẽ căn cứ trên giấy báo có của ngân hàng để tiến hành hạch toán nghiệp vụ thu tiền, có thể là thu tiền bán hàng, nhận tiền ứng trước,…
4. Sao kê tài khoản
Sao kê tài khoản là danh sách các lần biến động tăng, giảm tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Khi doanh nghiệp sử dụng internet banking cũng có thể truy cập tài khoản trên internet để xem sao kê nghiệp vụ phát sinh, nhưng với hình thức này chúng ta chỉ xem được khoảng 3 tháng gần đây nhất, còn đối với việc muốn xem biến động của tài khoản từ đầu năm đến hiện tại thì cần phải lấy sao kê từ ngân hàng, thêm nữa khi ngân hàng phát hành sao kê thì sẽ có thêm dấu xác nhận của ngân hàng.
Tùy thuộc từng ngân hàng thì việc in sao kê tài khoản có định kỳ in ra và đưa cho doanh nghiệp hay không, tuy nhiên mỗi khi doanh nghiệp cần có sao kê tài khoản thì ngân hàng sẽ in cho doanh nghiệp.
Sao kê tài khoản thường được dùng để đối chiếu với sổ kế toán ngân hàng tại doanh nghiệp khi có phát sinh chênh lệch giữa số dư ngân hàng và của doanh nghiệp.
5. Séc rút tiền mặt
Không phải mọi hoạt động của doanh nghiệp đều có thể thu và chi bằng tiền gửi được, vẫn phải có các hoạt động mua bán phát sinh bằng tiền mặt (Cash) do đó doanh nghiệp nào cũng có séc để rút tiền từ tài khoản ngân hàng về nhập quĩ tiền mặt nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh.
Séc sẽ phải mua từ ngân hàng, thường là một quyển séc sẽ có 10 tờ séc. Mỗi tờ sẽ gồm có 2 liên trong đó có một chính là cuống séc sẽ được giữ lại để lưu trữ.
Mời các bạn theo dõi bài tiếp theo để cập nhật thêm về công việc của kế toán ngân hàng
Download mẫu ủy nhiệm chi bằng Excel tại đây.
[sociallocker]Click để download Mau uy nhiem chi ngân hàng Vietcombank[/sociallocker]